I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:
(1) Hoa xưa nay vốn là bạn với người. Bông hoa, đối với người ta, là một cái biểu hiện nhiều ý nghĩa. Màu hoa tươi làm cho vui mắt, hương hoa thanh cao, cánh hoa mỏng mảnh nhắc người ta nhớ đến sự không bền của những vẻ đẹp, màu tươi trong vũ trụ.
(2) Người ta thường đem bông hoa ví với người thiếu nữ: cũng một vẻ đẹp, cũng một thanh hương, cũng một kiếp mong manh như thế. Nhưng, người xưa, trước cành mai nở trong gió đông, trước những cánh hoa trắng muốt như tuyết điểm, cái cảm giác còn sâu xa hơn khi đứng trước một người con gái đẹp, cái cảm giác phiền phức, ngậm ngùi, lẫn tiếc, lẫn thương. Người và hoa cùng nhau liên lạc, cùng một linh hồn, cái vẻ trong sạch, thanh cao của hoa là cái tuyệt đích thanh cao, trong sạch của người đời.
(3) Nhà họa sĩ Nhật Outamaro có vẽ một bức tranh người và hoa tuyệt đẹp. Một ngày mùa đông, tuyết trắng phủ đầy thềm, một cô con gái tư lự, mơ màng trước giỏ hoa cúc nở. Cô định, sáng sớm nay, ra ngắt mấy bông cúc để trang điểm căn phòng ấm áp, mền gấm với lửa than. Lòng cô nhẹ nhàng, vui vẻ. Nhưng đến khi ngắt bông hoa nở trên tuyết, cô nhìn hoa lại sực nghĩ đến số phận mình, nghĩ đến sắc đẹp cũng mong manh như đóa hoa. Những ngày vui tươi cứ lần lượt đi không trở lại, cũng như cánh hoa kia mà tay cô để bay trước gió. Một sự buồn rầu man mác thoáng qua, khiến đôi mắt trong cô mơ màng.
(4) Trong truyện “Liêu trai chí dị” của Tàu, hoa là những cô con gái xinh đẹp, đáng yêu, trong giỏ hoa hiện ra để sống một quãng đời ái ân đằm thắm với các nhà văn sĩ giàu tình cảm, rồi lại biến đi một đêm trăng mờ lạnh lẽo, để lại mối tiếc thương.
(5) Các cụ ta xưa trở về già, chỉ có lấy hoa làm bạn. Ngày ngày chăm sửa giỏ lan, đời hoa lan với đời người là một: một mầm lan non mới mọc là một nguồn vui, mà cái thú tuyệt trần của các cụ là đợi chờ bông hoa lan nở, đợi cơn gió nhẹ đem đến mùi hương thoang thoảng mát của bông hoa.
(6) Những bông hoa như thế, tuy cũng là những bông hoa vui, nhưng trong cái vui vẫn có lẫn chút buồn. Bông hoa ngày Tết của ta đây mới là những bông hoa vui thật. Ta không cần những bông hoa đó đem lại cho ta những cảm giác mơ màng, ta cũng không ước ao bông hoa sẽ hóa ra làm một người con gái xinh đẹp đến âu yếm yêu đương. Bông hoa ngày Tết phải là những bông hoa rực rỡ, nhiều màu. Với ngày xuân đầm ấm, với màu bánh chưng xanh, màu xác pháo đỏ, phải có màu đỏ thắm của bông thược dược, màu vàng rực của bông hoa cúc, hay màu đào tươi của những cánh hoa đào. Bông hoa là một cái trang sức vui tươi, để làm những ngày Tết thêm vẻ mặn mà, và cái vui trong lòng người ta thêm đằm thắm…
(Trích “Hoa ngày Tết”- Thạch Lam)
Chú thích:
Thạch Lam (1910 - 1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh (sau đổi là Nguyễn Tường Lân), quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hồi nhỏ, ông từng sống tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của Tự lực văn đoàn. Ngòi bút của Thạch Lam thường hướng đến cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện, ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân; thể hiện niềm thương cảm kín đáo mà sâu sắc. Sáng tác của Thạch Lam là sự tìm kiếm cái đẹp đã bị đánh mất vì ông cho rằng, một nhà văn thực sự có tài phải là người có thể cảm nhận được mọi vẻ đẹp từ thể xác đến tâm hồn.
Tùy bút “Hoa ngày Tết”của Thạch Lam được đăng trên tuần tuần báo “Phong hóa” số 134, ngày 30/1/1925
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định đề tài của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Tác giả đã huy động kiến thức của những lĩnh vực nào để viết tùy bút “Hoa ngày Tết”?
Câu 3 (1,0 điểm). Hiệu quả của việc tác giả kể câu chuyện về nhà họa sĩ Nhật Outamaro trong đoạn (3).
Câu 4 (1,0 điểm). Ý nghĩa của “hoa ngày Tết” trong đời sống hôm nay có gì khác biệt với ý nghĩa của “hoa xưa”? Vì sao?
Câu 5 (1,0 điểm). Nhận xét về cái “Tôi” của tác giả được thể hiện trong bài tùy bút.
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm).
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) cảm nhận về một câu văn anh/chị ấn tượng nhất trong văn bản.
Câu 2 (4,0 điểm).
Viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Phần
|
Câu
|
Nội dung
|
Điểm
|
I
|
|
ĐỌC HIỂU
|
4,0
|
1
|
Đề tài của văn bản trên: hoa ngày Tết
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương tự: 0,5 điểm
- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
|
0,5
|
2
|
Tác giả đã huy động kiến thức của những lĩnh vực sau để viết tùy bút “Hoa ngày Tết”: hội họa, văn học
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm
- Học sinh lời được 1 ý: 0,25 điểm
- Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.
|
0,5
|
3
|
Hiệu quả của việc tác giả kể câu chuyện về nhà họa sĩ Nhật Outamaro trong đoạn (3):
- Làm cho văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, tăng sức thuyết phục
- Làm rõ một phương diệ ý nghĩa đặc biệt của hoa cũng như niềm vui và vẻ đẹp của người thiếu nữ: tuyệt đẹp, thanh cao nhưng mong manh, dễ vỡ
- Gợi trong lòng người đọc cảm xúc buồn thương, tiếc nuối
Hướng dẫn chấm
- Học sinh nêu được thông điệp sâu sắc nhất: 0,5 điểm
- Học sinh lí giải thuyết phục:0,5 điểm.
|
1,0
|
4
|
-Ý nghĩa của “hoa ngày Tết” trong đời sống hôm nay có gì khác biệt với ý nghĩa của “hoa xưa”:
+ “Hoa xưa” nhắc người ta đến sự không bền của những vẻ đẹp, màu tươi trong vũ trụ. Hoa xưa thường được ví với vẻ đẹp của người thiếu nữ đẹp nhưng mong manh
+ “Hoa ngày Tết” trong cuộc sống hôm nay là những bông hoa vui thật, để làm những ngày Tết thêm mặn mà và cái vui trong lòng người thêm đằm thắm.
-Sự khác biệt về ý nghĩa của hoa là vì: nhân sinh quan của con người hiện tại đã thay đổi, con người không còn đắm chìm vào những hoài niệm, tiếc nuối mà lạc quan, hướng tới tương lai, nhìn cuộc sống trong cái nhìn vận động tích cực.
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương tự: 1,0 điểm
- Học sinh trả lời được ý 1:0,25 điểm.
- Học sinh trả lời được ý 2: 0,75 điểm
|
1,0
|
5
|
Nhận xét về cái “Tôi” của tác giả được thể hiện trong bài tùy bút:
- Cái “Tôi” tinh tế, giàu rung cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, một cái tôi đầy nhân văn
- Một cái “Tôi” với kiến thức hiểu biết sâu rộng, lối viết tùy bút giàu cảm xúc, giàu chất thơ.
Hướng dẫn chấm
- Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương tự: 1,0 điểm
- Học sinh trả lời được 1 ý: 0,5 điểm
- Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0,0
|
1,0
|
II
|
|
VIẾT
|
6,0
|
|
1
|
Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) cảm nhận về một câu văn anh/chị ấn tượng nhất trong văn bản.
|
2,0
|
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
|
0,25
|
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: câu văn trong bài tùy bút “Hoa ngày Tết”
|
0,25
|
c. Đề xuất được hệ thống ý để làm rõ vấn đề nghị luận
Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, có thể triển khai như sau:
- Lựa chọn câu văn ấn tượng (0,25 điểm)
- Phân tích vẻ đẹp của câu văn (0,50 điểm)
- Đánh giá, nhận xét chung (0,25đ): vai trò của câu văn trong bài tùy bút
Lưu ý:
HS lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận; Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý; Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lý lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và bằng chứng.
|
1,00
|
d. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
|
0,25
|
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc suy nghĩ về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
|
0,25
|
2
|
Viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về vấn đề nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay.
|
|
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội
|
0,25
|
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: nuôi dưỡng đời sống tinh thần của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay
|
0,5
|
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết
- Xác định được các ý chính của bài viết
- Sắp xếp được các ý hợp lý:
- Giải thích vấn đề nghị luận:
+ Nuôi dưỡng đời sống tinh thần là gì?
+ Vì sao cần phải nuôi dưỡng đời sống tinh thần nhất là với thế hệ trẻ?
+ Biểu hiện của việc nuôi dưỡng đời sống tinh thần
- Định hướng giải pháp để nuôi dưỡng đời sống tinh thần
+ Nhà trường
+ Gia đình
+ Bản thân
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện…
Lưu ý:
- Học sinh có thể tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- HS lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lý lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và bằng chứng
|
2,5
|
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
|
0,25
|
e. Sáng tạo
Thể hiện sâu sắc suy nghĩ về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
|
0,5
|
Tổng điểm
|
10
|